Trong vòng 50 năm qua, đã có hơn 11.000 thảm hoạ liên quan đến thời tiết và thiên tai, khiến hơn 2 triệu người chết, và nền kinh tế thế giới thiệt hại $3,64 nghìn tỷ. Tức trung bình mỗi ngày có 115 người chết và thiệt hại về kinh tế là $202 triệu do thiên tai. 

 

Thống kê tại Việt Nam trong 10 năm qua, đã có hơn 3.600 người chết và mất tích và thiệt hại khoảng 288 nghìn tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, thiên tai khiến trên 300 người chết và mất tích. Nền kinh tế thiệt hại từ 1 đến 1,5% GDP. 

Chưa dừng lại ở đó, con số thiệt hại có thể còn lớn hơn bởi thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa về khí hậu trong 20 năm tới với sự nóng lên toàn cầu là 1.5 độ C. Nếu vượt quá mức nóng lên này, thậm chí sẽ dẫn đến các tác động nghiêm trọng khác, mà một số tác động trong số đó, sẽ không thể phục hồi được. 

Những phát hiện mới nhất cho thấy mọi thứ đang tăng tốc ở mức đáng lo ngại. Chẳng hạn như thềm băng trôi ở sông băng Thwaites tại Nam Cực có thể sẽ bị vỡ ra trong vòng 5 năm tới. Một khi chuyện đó xảy ra, băng của sông băng khổng lồ này sẽ trượt xuống biển mà không bị cản trở, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước đây. Chỉ riêng việc mất đi Thwaites sẽ làm mực nước biển dâng cao thêm 2 feet.

Biến đổi khí hậu đang khiến các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, xảy ra sau các đợt nắng nóng đáng báo động năm 2021 và những trận mưa ào ạt tại Úc và một số nước Nam Á đầu 2022.

Tại Việt Nam, mưa cực đoan tăng ở hầu hết các vùng trên cả nước. Số ngày nắng nóng nhiều hơn cùng với hạn hán xảy ra thường xuyên. Số các cơn bão mạnh trên biển Đông có xu hướng tăng. Điển hình là năm 2017, có đến 16 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta. Trong khi năm 2018 và 2019 rất ít mưa, thiếu nước nhiều nơi thì năm 2020 mưa lũ, sạt lở kỷ lục chưa từng có dồn dập vào cuối năm. (theo VTV24)

 

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả trên là do lượng khí thải CO2 vẫn tăng đáng kể, bất chấp lệnh các lệnh phong tỏa do Covid-19 trong thời gian qua. Theo phân tích của IEA (cơ quan năng lượng quốc tế), lượng khí thải CO2 đã tăng kỷ lục 6% (lên đến mức 36,3 tỷ tấn) vào năm 2021. Than đá chiếm hơn 40% tổng mức tăng trưởng phát thải CO2 toàn cầu vào năm 2021, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 15,3 tỷ tấn. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, khi nền kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng Covid-19 và phụ thuộc nhiều vào than đá để cung cấp năng lượng cho sự tăng trưởng đó.

Các điều khoản về năng lượng sạch trong các gói phục hồi của một số nền kinh tế lớn đã góp phần phần nào làm giảm thiểu sự phục hồi trong thời gian ngắn của lượng khí thải, phần lớn ở những nơi đã có các chương trình carbon thấp và có thể nhanh chóng hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, nhiều kế hoạch phục hồi đã bổ sung các chương trình mới, được đặt ra để có tác động giảm thiểu lớn hơn trong những năm tới.

IEA nhấn mạnh rằng: “Thế giới hiện phải đảm bảo rằng sự phục hồi toàn cầu về lượng khí thải vào năm 2021 là một lần duy nhất - và các khoản đầu tư bền vững kết hợp với việc triển khai nhanh các công nghệ năng lượng sạch sẽ làm giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2022, duy trì khả năng giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu về mức 0 vào năm 2050.”

Biến đổi khí hậu cùng với đại dịch Covid-19 làm gia tăng những thách thức xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế, biện pháp ứng phó với thiên tai. Vì vậy, việc cảnh báo sớm để hành động sớm càng mang tính cấp thiết.